Zing News - Tri thức trực tuyến

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt

Bé biếng ăn khiến mẹ vô cùng lo lắng nhưng ép bé ăn là điều chắc chắn mẹ không nên làm. Dưới đây là một số gợi ý cho các mẹ về bữa sáng có thể giúp bé "chịu ăn".

Trước hết mẹ cần tìm hiểu đúng nguyên nhân khiến cho bé biếng ăn để tìm cách cải thiện tình trạng này một cách hợp lý. Một trong số các nguyên nhân đó có thể là:

- Bé đang trong giai đoạn biếng ăn sinh lý: khi bé đang trong thời kì phát triển kĩ năng và tinh thần (wonder weeks), khi bé đang trong giai đoạn chuyển đổi nếp sinh hoạt (cắt một giấc ngủ ngày, đi học mẫu giáo...)

- Bé bị ép ăn trong một thời gian dài.

- Bé đang ốm hoặc vừa mới ốm dậy.

- Bé gặp vấn đề về tâm lý như mẹ mới sinh em bé, chuyển nhà, đi học mẫu giáo....

Khi xử lý các trường hợp biếng ăn của bé, mẹ đừng vì quá lo lắng cho bé mà ép con ăn hay tìm đến các sản phẩm kích thích ăn một cách vội vàng, hướng giải quyết đó chỉ là "đường tắt" giúp cải thiện tâm lý cho mẹ chứ chưa chắc đã "trị" được tận gốc tình trạng của bé. Những bước mẹ nên làm là:

- Nên để bé có cơ hội được đói, được cảm nhận cái đói và chờ đến khi bé tự nguyện đòi ăn.

- Rèn luyện cho bé một nếp sinh hoạt đều đặn, phù hợp với nhịp sinh học của con ngay từ khi còn sơ sinh là một trong những biện pháp hữu hiệu nhất giúp mẹ biết rõ khi nào bé rơi vào giai đoạn biếng ăn sinh lý cũng như hỗ trợ cho tất cả các vấn đề về ăn (cũng như ngủ) của bé.

Những "mẹo" giúp bé hào hứng với bữa sáng:
Với những em bé dưới 2 tuổi, có thể nhu cầu của bé chỉ dừng lại ở một cốc sữa hoặc một cữ bú mẹ, mẹ hãy tôn trọng bé. Tuy nhiên, nếu mẹ muốn bé làm quen với một bữa sáng đủ chất hoặc muốn cải thiện tình trạng dinh dưỡng của con thì mẹ cũng có thể áp dụng những mẹo này.

- Mẹo 1: Đối với những bé từ 1 tuổi trở lên: Cai bú đêm. Kể cả việc uống nước ban đêm cũng có thể khiến bé lưng lửng bụng cho đến tận lúc ngủ dậy và không muốn ăn sáng.

- Mẹo 2: Có một số bé khi tỉnh dậy có cảm giác đắng hoặc khó chịu trong miệng, hãy cho bé uống một chút nước trước khi cho bé ngồi vào bàn ăn sáng.

- Mẹo 3: Hãy cho bé đánh răng sau khi ăn sáng. Bởi nếu đánh răng trước khi ăn sáng thì vị ngọt của kem đánh răng trẻ em có thể lấn át hết mọi vị khác của thức ăn, khiến bé thấy món ăn thật "nhạt nhẽo".

- Mẹo 4: Một số bé có đặc điểm tính cách là "chuyển đổi chậm" khiến việc chuyển đổi từ giấc ngủ đêm sang các hoạt động buổi sáng trở nên rất khó khăn với bé, làm bé chống đối với các hoạt động buổi sáng, bao gồm cả bữa ăn.

Cách giải quyết là hãy nói chuyện với bé về các thủ tục của buổi sáng trước khi bé đi ngủ, sau khi ngủ dậy cho bé có thời gian chuyển tiếp như nằm trên giường một lúc rồi mới dậy, trong thời gian đó hãy nhắc bé về lịch trình của mình. Trước mỗi hoạt động của bé, bao gồm cả ăn sáng hãy thông báo trước bằng cách dùng đồng hồ báo thức hoặc đếm.

- Mẹo 5: Cho bé cùng tham gia vào việc chuẩn bị bữa sáng với mẹ hoặc bố (ví dụ đổ ngũ cốc và sữa ra cốc/bát, cho trái cây vào máy xay sinh tố). Bé 1.5 tuổi trở đi là đã có thể tham gia giúp bố mẹ. (Muốn vậy cần cho bé đi ngủ sớm, để bé có thể dậy sớm vào buổi sáng).

- Mẹo 6: Một số bé sáng dậy không muốn ăn sáng ngay, hãy thực hiện một vài động tác "hâm nóng" vào buổi sáng như tập thể dục nhẹ cùng một bản nhạc vui nhộn, sau đó mặc quần áo cho bé và để bữa sáng xuống cuối cùng của lịch trình.

- Mẹo 7: Hãy cho từng ít một vào bát của bé. Thay vì cho bé ăn một bát đầy ụ, hãy chia nhỏ phần ăn ra để bé không bị "áp lực" với bữa ăn của mình.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 1
Bữa sáng với súp khoai tây cà rốt sữa.

- Mẹo 8: Cho bé ăn vào bát to. Với cùng một lượng thức ăn, nếu để vào bát to hơn thì bé sẽ có cảm giác đồ ăn ít hơn và không cảm thấy "sợ" vì phải ăn quá nhiều. Đồng thời cũng hạn chế số bát đĩa bày ra trong bữa sáng, bằng cách chọn những món ăn 3 trong 1 gồm cả ngũ cốc, chất xơ và protein.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 2
Bữa sáng với ngũ cốc ăn liền, chuối tiêu trộn sữa.
- Mẹo 9: Sử dụng nguyên liệu đa dạng màu sắc và các nguyên liệu kích thích khứu giác, vị giác. Sử dụng nguyên liệu có màu cầu vồng giúp bé thấy món ăn của mình ngon mắt hơn. Hành, tỏi, lá gia vị là những nguyên liệu vừa tốt cho sức khỏe vừa tạo mùi thơm hấp dẫn khiến bé có cảm giác thèm ăn cũng như tăng thêm vị ngon cho món ăn.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 3
Nui rau củ sốt phô mai, sử dụng hành tây vừa là nguồn cung cấp chất xơ vừa giúp dậy mùi thơm của món ăn.
- Mẹo 10: Cắt, tỉa thức ăn, trái cây thành những hình thù ngộ nghĩnh.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 4
Bữa sáng với khoai lang hấp hình ô tô, ngôi sao, đám mây, nho và sữa đậu nành (sữa tươi).
Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 5
Những khuôn cắt tỉa như thế này sẽ giúp tiết kiệm thời gian cho mẹ rất nhiều.
- Mẹo 11: Món ăn theo chủ đề: mẹ có thể hỏi bé xem bé muốn ăn bữa sáng theo chủ đề như thế nào và sáng tạo bữa ăn theo chủ đề mà bé muốn. Cũng có thể đố bé chủ đề của bữa ăn là gì và chỉ giải đáp xem bé đúng hay sai sau khi ăn ít nhất 3 miếng của bữa sáng.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 6
Bữa sáng với chủ đề: Khung cửa sổ mặt trời.
- Mẹo 12: Bữa sáng bé có thể giải quyết nhanh gọn hoặc có thể để dành một nửa để mang đến trường.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 7
Bữa sáng với sinh tố và một chiếc bánh ngũ cốc (như hình) hoặc bánh quy, bánh gạo là một bữa sáng bé có thể giải quyết siêu nhanh, đặc biệt khi bé được ưu tiên có tận 2 chiếc ống hút.
Không phải lúc nào cũng bắt bé ăn sáng ở nhà, hãy dành một buổi sáng để cả nhà cùng nhau ra ngoài ăn sáng và thưởng thức không khí sáng sớm tại một nơi khác với nhà mình. Mẹ chỉ cần chú ý chọn địa điểm ăn sáng hợp vệ sinh là được.

Mẹo chuẩn bị bữa sáng cho bé biếng ăn của mẹ Việt 8
Bé ăn sáng với bánh Waffle đào và sinh tố trái cây.
Chúc các mẹ và các con thành công!
Theo Mẹ Ong Bông / Trí Thức Trẻ

6 mẹo giúp bố mẹ có con nhỏ vui vẻ đi ăn nhà hàng

Đối với các bố mẹ có con nhỏ, việc đi ăn nhà hàng dường như quá phức tạp và “căng thẳng” vì nhiều sự cố mà các con có thể mang lại.

Tuy nhiên, không có lý do gì khiến bạn tuần nào cũng ăn cơm nhà chỉ vì con nhỏ hay “bỏ rơi” con ở nhà khi cả gia đình cùng ăn uống ngoài nhà hàng, đặc biệt là vào những dịp đặc biệt.

Cùng tham khảo những mẹo dưới đây để bạn và bé có thể cùng nhau thưởng thức món ăn tại nhà hàng yêu thích nhé.

Chuẩn bị sẵn sàng

Sự chuẩn bị của bố mẹ là nhân tố quan trọng nhất giúp một trẻ có một bữa ăn suôn sẻ và vui vẻ. Dự đoán những chuyện có thể xảy ra như cơn giận dỗi hay việc thay tã; xác định cách ngăn ngừa và giải pháp xử lý các tình huống “không thể không xảy ra”. Chỉ cần chuẩn bị sẵn sàng cho những dấu hiệu nhỏ này, bạn đã chiến thắng một nửa cuộc chiến này rồi.

Chọn địa điểm hợp lý

Bạn nên tìm kiếm những địa điểm có nhiều không gian để trẻ thoải mái chạy nhảy và bạn có thể cùng con dạo một vòng trước bữa ăn hoặc trong thời gian đợi lên món. Điều này sẽ thực sự hữu ích để giúp trẻ cảm thấy đỡ sốt ruột hoặc và nhàm chán.

Hãy tìm kiếm những nhà hàng có khu vẽ tranh, một bể cá hoặc tuyệt hơn hết chính là có một sân chơi rộng rãi nằm gần khu ăn uống. Cần đảm bảo khu vui chơi đó của trẻ tránh xa những nơi tối tăm và có đồ dễ vỡ.

Còn nếu bạn không có thời gian để trông nom lũ trẻ suốt bữa ăn, hãy mượn nhà hàng chiếc ghế dành cho trẻ em hoặc đừng ngại nhờ nhân viên nhà hàng trông con giúp khi bạn cần tập trung cho bữa ăn.

6 mẹo giúp bố mẹ có con nhỏ vui vẻ đi ăn nhà hàng 1
Ảnh minh họa.

Lựa thời điểm phù hợp

Những đứa trẻ đói bụng sẽ khó lòng ngoan ngoãn và vui vẻ được, vì vậy bạn cần chắc chắn đang theo đúng lịch sinh hoạt của trẻ. Nếu bữa ăn không trùng bữa ăn của bé, hãy cho con ăn trước ở nhà và nhớ mang theo vài món ăn vặt được yêu thích. Còn nếu bữa tối có thể kéo dài qua giờ ngủ của con, nhớ cân nhắc mang theo xe đẩy tới bàn ăn cùng tấm chăn mỏng và núm vú giả.

Mang theo đồ chơi

Mang theo một “kho đồ chơi” dành riêng cho dịp ăn ở nhà hàng là một trong những lưu ý quan trọng. Sự nhàm chán là yếu tố nguy hiểm nhất kích hoạt “vụ nổ” của sự giận dữ và những hành vi xấu của trẻ. Đơn giản “nhu cầu của con được đáp ứng thì nhu cầu của bạn cũng sẽ được thực hiện”.

Hành động khôn khoan nhất chính là dự trữ “đạn dược”: bạn có 15 món đồ chơi và đưa ra cùng một lần sẽ khiến tình trạng “hoà bình” không thể duy trì lâu. Thay vào đó, chỉ đưa mỗi lần 1 món đồ chơi, kéo dài thời gian chơi dài nhất có thể và bạn thậm chí có thể sẽ “rảnh tay” tới khi ăn món tráng miệng.

Sắp xếp mọi thứ

Cần đảm bảo dọn sạch mọi vật nguy hiểm hay những thứ trẻ có thể cầm và ném khỏi bàn ăn. Các vật “tiềm ẩn nguy hiểm” có thể bao gồm chiếc cốc nhựa rỗng hay những chiếc thìa. Với những đứa trẻ lớn hơn, bạn có thể cho con tự gắp đồ ăn để tăng khả năng tự lập trong ăn uống. Hơn nữa, để đảm bảo con sẽ có ghế ngồi riêng, hãy mang theo ghế của gia đình bạn phòng trường hợp ghế của nhà hàng đã được sử dụng hết.

Duy trì thực hiện những mẹo hữu hiệu

Giữ cho trẻ ngoan ngoãn trong bữa ăn thực sự là một nghệ thuật. Chìa khoá của điều này là giữ trẻ luôn bận rộn để bạn có thể tự do ăn uống hoặc trò chuyện. Và bạn cũng không phải đi tìm lại hay thu gom đồ đạc ở xung quanh.

Còn nếu cách này chưa hiệu quả trong lần đầu hoặc lần thứ hai thì ít nhất bạn đã có những trải nghiệm để biết rằng điều gì có thể giữ con luôn bận rộn và vui vẻ trong suốt bữa ăn.
Theo Mẹ Mèo Ú / Trí Thức Trẻ

Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân

Mình nhận thấy là các mẹ châu Á mình gặp thì hay chú ý tới con to, con bé (ví dụ hỏi con bạn mấy tháng, bao nhiêu cân), các mẹ Tây (hoặc lớn lên ở đây từ bé) thì hỏi con mấy tháng rồi con biết làm những gì.

Mẹ con mình hiện đang sống ở Toronto Canada, em bé nhà mình sinh tháng 12, sắp được 11 tháng. Là một em bé có cá tính mạng và rất còi (theo lời bà ngoại là bé như cái kẹo mút dở).

Trước khi con bắt đầu ăn dặm mình có tham khảo ý kiến các mẹ trong gia đình cũng như đọc sách để so sánh các phương pháp và nghe tư vấn của bác sĩ. Tại lần kiểm tra sức khỏe lúc 4 tháng, bác sĩ gia đình của mình nói rằng từ 4.5-5 tháng có thể cho bé bắt đầu thử với ngũ cốc trẻ em. Tuy nhiên mình không vội, nén chờ đến lúc con tròn 6 tháng mới bắt đầu. Mình cũng quyết định sẽ bỏ qua bước ăn bột của ăn dặm truyền thống Việt Nam mà cho con ăn đồ xay nhuyễn (puree food).

Tuy nhiên ý định của mình không thành vì bạn con không hợp tác với cái thìa. Bác sĩ hướng dẫn có thể dùng ngón tay mẹ làm thìa cho con ăn cho quen. Nhưng mình thấy con có vẻ muốn tự lập và mình cũng có tìm hiểu về ăn dặm Baby Led Weaning nên tiến hành luôn, lúc này con đã 6.5 tháng.


Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân 1
Em bé "còi như một cái kẹo mút" nhưng cá tính và nhanh nhẹn nên mẹ cứ kiên nhẫn để em học ăn theo cách của mình.

Mình không xác định mục tiêu là con phải ăn được lượng bao nhiêu một ngày, hay phải đạt được kỹ năng này kia nên tâm lý khá thoải mái. Con phát triển kỹ năng khá tốt, ban đầu là cầm nắm, biết bốc thức ăn đưa chính xác lên miệng nhưng chỉ mút mát rồi ném. Mình cho con sinh hoạt theo một khung giờ gần như cố định mỗi ngày nên đến giờ ăn là mời con vào ghế, mẹ dọn thức ăn lên bàn, con ăn hay không tùy con. Và đương nhiên là con gạt, xoa, bóp nát hoặc đưa thức ăn vào miệng nhai nhai rồi nhả ra.

Theo quan sát và trao đổi của mình thì mình thấy các mẹ ở Canada cũng chẳng khác gì các mẹ Việt Nam cả. Mẹ nào có con đầu cũng hoang mang không biết thế nào. Các mẹ có con rồi thì họ làm thế nào phù hợp với nếp sinh hoạt gia đình họ. Mình nhận thấy là các mẹ châu Á mình gặp thì hay chú ý tới con to, con bé (ví dụ hỏi con bạn mấy tháng, bao nhiêu cân), các mẹ Tây (hoặc lớn lên ở đây từ bé) thì hỏi con mấy tháng rồi con biết làm những gì.

Không có lời khuyên nào đúng với mọi đứa trẻ

Ăn uống thì vô cùng. Vì Canada là đất nước đa văn hoá, dân nhập cư nhiều nên thực chất các mẹ cho con ăn cũng khác nhau. Đồ ăn, thực phẩm cho trẻ sơ sinh bày bán cũng rất đa dạng. Mình thì vẫn theo thói quen nấu nướng ở Việt Nam, chỉ đồ ăn vặt của con là mua đồ ăn sẵn thôi.

Bên này hệ thống y tế được chính phủ chi trả, em bé sinh ra không có bác sĩ nhi chuyên khoa và đi khám theo bác sĩ gia đình của bố mẹ. Lúc 4 tháng mẹ sẽ được hướng dẫn cách ăn dặm, đến 6 tháng gặp lại bác sĩ nếu có thắc mắc gì thì có thể hỏi. Quá trình ăn dặm là đồ ăn xay nhuyễn (puree foods) cho 2 tháng đầu ăn dặm, sau đó tăng dần độ thô, từ 8 tháng trở đi có thể cho con ăn thử ăn bốc (finger foods) (tất nhiên là phụ thuộc vào con). Mục tiêu trên lý thuyết là giới thiệu cho con thức ăn để đến khi con 1 tuổi có thể ăn cùng với bố mẹ, ăn đồ ăn cùng gia đình (table foods) và tự ăn.

Nói thêm là bên mình mẹ được nghỉ có trợ cấp lương là khoảng 1 năm. Trên lý thuyết là sau khi mẹ đi làm em bé sẽ đi nhà trẻ (day care) nên tự ăn tự uống để mẹ yên tâm đi làm. Lý thuyết là thế.

Mẹ Châu Á dù ở Tây vẫn thích con nặng cân 2
Mẹ Tây chuẩn bị đồ ăn cho con rất đơn giản và nhanh gọn, không cầu kì nấu nướng, chế biến nhiều món như thế này như mẹ Việt.

Quay lại chuyện con mình không chịu để cho mẹ xúc, mình cũng đem chuyện này ra kể và xin tư vấn của bác sĩ, rằng con tôi không chịu ăn bằng thìa, chỉ thích ăn bốc (bác sĩ không có khái niệm BLW, chỉ có ăn đồ xay nhuyễn và ăn bốc) mà để tự ăn thì con hầu như không ăn được gì, ý kiến bác sĩ thế nào.

Mình hỏi hai người (để cho chắc ăn) một người là bác sĩ nữ cũng là dân nhập cư thì bà ấy bảo không được, kiểu gì cũng phải tìm cách để cho con ăn, nó chơi đồ ăn bốc cũng được nhưng phải ăn vào bụng và lượng ăn tăng dần lên.

Người thứ hai là bác sĩ nam (Tây da trắng) thì ông ấy bảo chẳng sao, con thích ăn thích chơi làm quen cũng được chỉ cần đảm bảo con không bị nghẹn hóc là được. Nếu mẹ vẫn lo lắng con không ăn được gì thì xúc thử thêm.

Mình rút ra kết luận là bác sĩ tư vấn là phương cách chung, còn mỗi trẻ là một tính cách khác nhau, mẹ quan sát và lựa theo con. Chứ không ai có thể đưa ra lời khuyên tốt nhất, mọi lời khuyên tư vấn chỉ là tham khảo.

Con mình tính theo chuẩn của WHO từ lúc sinh ra chỉ nằm ở mức 50% trên bảng số liệu. Bác sĩ kiểm tra định kỳ đưa ra nhận xét dựa vào bảng số liệu phát triển của con. Không quan trọng con tăng cân ít nhiều miễn con phát triển theo lộ trình và không tăng giảm đột biến là ổn.

Hiện tại con mình sắp 11 tháng, đến bữa ăn mời con vào ghế, mẹ bày đồ ăn chuẩn bị cho con lên, giới thiệu các món cho con thử, sau đó con ăn gì, ăn như thế nào là con quyết. Có khi bạn ấy tự bốc, bốc chán thì mẹ đút bằng tay hay đưa từng miếng cho bạn tự bỏ vào miệng. Bạn có thể đòi thìa để tự xúc hoặc mẹ xúc. Bạn ấy bé nhưng thái độ rõ ràng, không ép buộc được.

Cho bạn ấy ăn như thế thì hơi mất công nhưng mình làm vậy vì sau một thời gian quan sát bạn ấy nhai nhả thì mình phát hiện ra là nếu có nhiều đồ ăn trước mặt, con nhai chưa hết miếng này đã đưa miếng kia lên miệng (kiểu tham sợ mất) và bạn ấy không thích ăn lẫn vị nên phải nhè miếng trong miệng ra thì mới ăn miếng khác. Quá trình nhai nhà cứ thế đến lúc không ăn được gì thì khá cáu hoặc là chán chuyển sang chơi.

Thêm một điểm nữa là mình thấy các mẹ ở đây làm đồ ăn đơn giản chứ không cầu kỳ đun nấu mất thời gian như các mẹ Việt Nam. Nhiều khi nấu nướng rõ lâu mà con không chịu ăn là mẹ cũng mất tinh thần và cũng nản lắm. Các em bé Tây mình gặp hay các bé khác trong gia đình họ hàng nhà chồng mình cũng có lúc tự ăn, cũng có lúc mẹ hỗ trợ. Nhưng quan trọng là kể cả không có ai hỗ trợ, các bé hoàn toàn có thể tự ăn khi đói.
Theo Hải An (Ghi) / Trí Thức Trẻ

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW

Sau hai cột mốc quan trọng đầu tiên với rất nhiều thử thách, ở hai giai đoạn sau, dù bé ăn dặm BLW vẫn sẽ gặp phải những thách thức nhất định nhưng mẹ hoàn toàn có thể thư giãn và cùng bé vượt qua giai đoạn này.

1. Giai đoạn 3: Tập dùng thìa

* Khoảng thời gian:

Sau giai đoạn bốc nhón khoảng 2 đến 4 tháng và kéo dài khoảng 6 đến 12 tháng.

Tập thìa là một kĩ năng khó và phức tạp, đòi hỏi sự phối hợp nhuần nhuyễn của tay, mắt và não bộ cũng như phải có độ dẻo dai và sức khỏe đủ để giữ vững chiếc thìa, do đó tốc độ hoàn thiện kĩ năng rất khác ở mỗi bé, có bé có thể xúc thìa từ lúc 11 tháng nhưng có bé 18 tháng mới biết xúc, do vậy cha mẹ không nên sốt ruột và so sánh bé với bạn khác.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 1
Trong cùng một giai đoạn, có bé biết xúc nhanh, có bé chậm, bố mẹ không nên so sánh con với các bé khác. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Kĩ năng của bé:

- Ban đầu bé chỉ khám phá bằng cách ném và chơi với thìa bát.

- Sau một thời gian bé bắt đầu bắt chước người lớn cho thìa vào mồm, bé có thể biết cách cho thìa lên mồm trước khi biết xúc hoặc ngược lại có thể xúc nhưng lại cho thìa lên đầu hoặc hất lung tung, bé có thể làm rơi đồ trên đường di chuyển của mình.

- Sau thời gian dài luyện tập, bé xúc bớt rơi vãi hơn, cho thìa vào mồm chính xác, cổ tay đủ mạnh để không làm rơi thức ăn trên đường di chuyển.

- Bé có xu hướng giỏi xúc các món sệt hoặc các món khô hơn tùy từng bé.

- Trong giai đoạn này bé sẽ có một thời điểm rơi vào tình trạng nhai nhả (thường xảy ra khi bé được khoảng 11 tháng đến 13 tháng), kéo dài từ 1 tuần đến 3 tháng tùy bé, đây là thời gian bé hoàn thiện kĩ năng nuốt và nhai, sau thời gian này bé xử lý thức ăn gần như người lớn thực thụ.

- Hệ tiêu hóa của bé gần như hoàn chỉnh khi phân của bé càng ngày càng ít lợn cợn hơn.

* Mẹ cần làm gì?

- Bình tĩnh và kiên trì. Đừng so sánh con mình với em bé khác, hãy đợi đến khi kĩ năng của bé đủ chín để cầm thìa thành thạo.

- Làm mẫu cho con bằng cách dùng thìa để ăn cơm.

- Có thể cho con tập dùng dĩa xiên đồ ăn trước, sau đó mới tập dùng thìa.

- Chọn đúng loại thìa để tập cho bé như thìa đầu tròn, sâu lòng, cán dài khoảng 8-10cm. Không dùng thìa silicon, thìa nhỏ ăn bột, thìa vẹo.

- Ban đầu bé có thể sẽ ném vứt thìa, đĩa, bát linh tinh, hãy hiểu cho bé, không phải bé hư, bé chỉ đang tìm hiểu đồ chơi mới mà thôi.

- Bạn có thể xúc thức ăn sẵn vào thìa để bé tập cho thức ăn lên mồm chính xác trước.

- Bạn có thể cung cấp thức ăn dạng lỏng và dạng khô để xem bé có thể dễ dàng tập xúc với loại thức ăn nào, từ đó cho bé tập nhiều bằng loại đó cho quen rồi chuyển sang các dạng thức ăn khó hơn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 2
Cho bé tập xúc với cơm rang. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Món ăn trong giai đoạn này:

- Bé có thể ăn được gần như tất cả các món ăn, kể cả các món nhỏ như hạt đậu Hà Lan, tuy nhiên với các bé dưới 14 tháng bạn vẫn cần gọt vỏ, bỏ hat và cắt đôi một số loại như nho hay vải, nhãn… Sau 1 tuổi bé có thể ăn rau lá.

- Các thức ăn dễ dàng cho việc tập xúc là các món sệt, lỏng hoặc khô như súp, canh, sữa chua, ngô xào, thịt băm xào, cơm rang, trứng bác, táo nghiền, ruốc...

- Hạn chế cho bé tập xúc các món dính như xôi, cơm dẻo, cơm nếp hoặc các món có độ lớn như mỳ ống dài hoặc các loại thịt nguyên miếng.

- Giai đoạn sau 1 tuổi bé đã có thể ăn một bữa ăn hoàn chỉnh 4 nhóm ngũ cốc, rau củ quả, đạm giống như bữa ăn của người lớn (vẫn hạn chế cho bé ăn muối, đường).

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 3
Thức ăn dạng lỏng và dạng khô, ngắn sẽ giúp bé học xúc thìa dễ dàng hơn. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

4. Giai đoạn 4: Giai đoạn hoàn thiện

* Khoảng thời gian:

Khi bé tập thìa thành thạo. Thông thường là sau khi bé được 18 tháng tuổi.

* Kỹ năng của bé:

- Bé sử dụng thìa tốt và gọn gàng.

- Kỹ năng nhai và nuốt hoàn thiện.

- Hệ tiêu hóa hoàn chỉnh gần như người lớn, phân của bé thành khuôn và hầu như không thấy lợn cợn (trừ khi ăn thức ăn chứa nhiều chất xơ như bưởi, ngô).

- Thái độ ăn uống nghiêm túc, có niềm yêu thích với thức ăn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 4
Bữa ăn hoàn chỉnh và thơm ngon của bé với cá sốt cà chua, canh rau củ, đậu đũa xào và cơm trắng. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)

* Mẹ cần làm gì:

- Tận hưởng niềm vui sau những ngày tháng vất vả.
- Tiếp tục cung cấp cho bé những món ăn bổ dưỡng, thực đơn cân bằng và có lợi cho sức khỏe.

* Món ăn trong giai đoạn này:

- Bé ăn bữa ăn hoàn chỉnh giống như người lớn.

Hai cột mốc quan trọng đánh dấu thành quả của bé ăn dặm BLW 5
Bé Tiểu Long tận hưởng bữa ăn thơm ngon và dễ thương do mẹ nấu. (Ảnh: Mẹ Tiểu Long)
Theo Mẹ Ong Bông / Trí Thức Trẻ

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn

Các món ăn sáng được bày biện trong những chiếc bát xinh xắn với hương vị ngon tuyệt chắc chắn sẽ giúp các con có đủ năng lượng cho một ngày mới.

Thực đơn tuần này:

- Thứ 2: Bún sườn chua.

- Thứ 3: Bánh mỳ nướng + sữa tươi + Nho đen không hạt.

- Thứ 4: Mỳ nấu tôm, rau cải cúc.

- Thứ 5: Ngũ cốc trộn sữa + Dưa hấu.

- Thứ 6: Xôi xéo ruốc + Sinh tố dâu tây.

- Thứ 7: Cả nhà đi ăn bánh cuốn.

- Chủ nhật: Bữa sáng tự chọn theo sở thích của con.

Từ những món ăn, nguyên liệu quen thuộc, chỉ cần thay đổi cách nấu và cách phối hợp là các mẹ đã có thể sáng tạo ra những món ăn sáng vẫn gần gũi với khẩu vị của con mà lại có hương vị mới mẻ, tuyệt ngon.

1. Bún sườn chua

Thời gian nấu tối đa: 10 phút.

Bạn có thể tham khảo nguyên tắc cuối tuần và nguyên tắc tối để có thể chuẩn bị nước dùng vừa nhanh vừa ngon ngọt.

Món bún sườn chua có vị chua chua ngọt ngọt của cà chua và dứa, kết hợp cùng nước sườn đậm đà và những miếng sườn thơm ngậy sẽ khơi gợi vị giác đang còn ngái ngủ của bé. Bạn nên chọn những miếng sườn không mỡ, chặt sườn dài một chút để bé có thể gặm được dễ dàng. Thêm vào món bún sườn chua những loại rau gia vị như hành lá và mùi tàu vừa tăng thêm hương vị cho món ăn vừa cung cấp thêm vitamin và khoáng chất cho trẻ.

Không nên lấy cho con một bát bún đầy ắp và hãy để bé ăn trong bát nhỏ, nếu con muốn ăn thêm thì mẹ lấy thêm và tuyệt đối không nên ép con ăn.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 1

2. Bánh mỳ nướng + Sữa tươi + Nho đen

Thời gian nấu tối đa: 5 phút.

Nếu không có lò nướng, bạn có thể sử dụng chảo không dính để làm giòn bánh mì bằng cách làm nóng chảo ở lửa to vừa, bỏ bánh mì vào chiên cho đến khi mặt bánh giòn thì lật và làm tương tự với mặt còn lại.


Nếu không có thời gian để trang trí hay không có các dụng cụ cắt bánh mỳ chuyên dụng, bạn chỉ cần nướng bánh mỳ lên, cắt bánh thành hình vuông và sử dụng những que xiên có hình thú ngộ nghĩnh để bé xiên bánh mỳ, như thế cũng đủ để khơi gợi sự thích thú của bé rồi.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 2

Bạn có thể mua được những chiếc xiên hình thú ngộ nghĩnh như thế này ở các siêu thị, khu vực các loại que khuấy đồ giải khát, thìa trang trí.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 3

3. Mỳ nấu tôm và rau cải cúc

Thời gian nấu tối đa: 10 phút.

Để rau cải cúc nhanh chín và bé chấp nhận ăn món rau này hơn, bạn hãy băm thật nhỏ rau ra trước khi cho vào nồi. Mẹ hãy chuẩn bị sẵn nước dùng và luộc tôm chín sơ từ tối hôm trước để tiết kiệm thời gian nấu nướng. (Có thể sử dụng luôn nước luộc tôm làm nước dùng).

Sau bữa ăn sáng, bạn có thể cho con tráng miệng một quả quýt hoặc uống sữa nếu con vẫn muốn ăn thêm. Nếu con không yêu cầu ăn thêm thì bữa sáng với mỳ, tôm và rau cải cúc đã cung cấp đủ dưỡng chất bé cần rồi.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 4

Mỳ tôm ăn liền không có lợi cho sức khỏe của bé vì vậy mẹ nên nấu cho bé bằng sợi mỳ trứng, mì tươi, hoặc bún nhé.

4. Ngũ cốc trộn sữa + Dưa hấu

Thời gian nấu tối đa: 5 phút.

Ngũ cốc trộn sữa là món ăn sáng vô cùng quen thuộc và phổ biến ở phương Tây. Tuy vậy, đây không phải là món ăn quá bổ dưỡng để cho bé ăn hàng ngày nên 1 tuần bạn cho bé ăn 1 bữa ngũ cốc trộn sữa kèm trái cây là ổn. Bữa ăn này đặc biệt thích hợp vào những ngày “vô cùng vội” của cả nhà khi con dậy muộn hoặc bố mẹ sắp muộn giờ làm.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 5

Khi đi siêu thị mua ngũ cốc, tốt nhất là bạn nên đọc hết thành phần các loại ngũ cốc có trên kệ để chọn ra loại ngũ cốc ăn sáng tốt nhất cho con. Những loại có hàm lượng chất xơ cao, hàm lượng muối và đường thấp là ngũ cốc ăn sáng bạn nên chọn.

5. Xôi xéo ruốc + Sinh tố dâu tây

Thời gian nấu tối đa: 10 phút.

Để tiết kiệm thời gian thì bạn có thể đi mua xôi cho bé ở ngoài hàng. Tuy nhiên, nếu có điều kiện bạn cũng có thể làm xôi xéo cho con tại nhà, cách làm cũng khá đơn giản, thậm chí bạn có thể tham khảo các làm xôi xéo bằng lò vi sóng TẠI ĐÂY. Đặc biệt, xôi là thực phẩm bạn có thể bảo quản trên ngăn đá, khi muốn ăn chỉ cần bỏ vào nồi cơm điện hấp hoặc quay lò vi sóng mà hương vị vẫn rất ngon.

Gợi ý cách nấu món ăn sáng siêu nhanh cho mẹ bận rộn 6

Chúc các con và mẹ có những bữa sáng thật ngon và thật vui cùng nhau.
Theo Mẹ Ong Bông / Trí Thức Trẻ

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé

Bé nhà bạn bắt đầu bước vào giai đoạn ăn bốc, và bạn đang phân vân tìm hiểu những loại thức ăn nào phù hợp cho con tập nhai? Những món ăn dưới đây sẽ là gợi ý hoàn hảo cho các mẹ.

1. Đậu Hà Lan

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 1

Hãy quên món cháo hàng ngày và làm bất ngờ bé của bạn bằng một món ăn mới: đậu Hà Lan. Đậu Hà Lan có thể hấp, luộc, xào bơ. Ngoài dinh dưỡng tuyệt vời, món ăn này khi được để đông lạnh sau khi hấp (luộc) còn làm giảm đau khi bé mọc răng.

2. Thịt băm mềm

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 2

Thịt là một nguồn cung cấp chất sắt, một chất dinh dưỡng quan trọng đối với trẻ, đặc biệt là nếu bạn đang cho con bú. Thịt được Viện Hàn lâm Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến dùng như thực phẩm rắn đầu tiên, do đó, nó là món ăn bốc hoàn hảo ngay khi bé đã sẵn sàng ăn những miếng nhỏ, thường là từ 7 đến 9 tháng. Hãy chắc chắn rằng thịt được nấu chín mềm và băm thành miếng thật nhỏ. Thịt xay trong bánh mỳ kẹp thịt và thịt viên thường cũng có thể được dùng cho em bé tập nhai.

3. Đỗ nấu chín

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 3

Khi bé đã phát triển kỹ năng cầm nắm, bé sẽ cầm được những vật nhỏ, và đỗ nấu chín là lựa chọn của bạn. Đỗ nấu chín là một thực phẩm lý tưởng cho hầu hết các bé vì nó có hương vị nhẹ và kết cấu mềm mại. Hơn nữa, chúng là nguồn thực phẩm cung cấp đầy đủ các protein, chất xơ, acid folic, và các chất dinh dưỡng khác.

4. Cà rốt và đỗ xanh hấp

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 4

Khi được hấp mềm, cà rốt và đỗ xanh trở thành món ăn bốc bổ dưỡng tuyệt vời cho bé. Để chắc chắn rằng cà rốt và đỗ đủ mềm, hãy dùng hai ngón tay để ấn, nếu rau mềm đi, vậy là bạn đã nấu chín hoàn toàn.

5. Sữa chua

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 5

Để tạo ra những món ngon và giàu lợi khuẩn cho bé, bạn nên nghĩ tới sữa chua. Chỉ cần cắt bỏ một góc và bóp giọt sữa chua lên một tấm bánh nướng. Tiếp đó, lưu trữ chúng trong một túi nhựa kín rồi để trong tủ đông. Món ăn đông lạnh này là cho bữa ăn nhẹ hoặc món tráng miệng rất ngon mà bé sẽ yêu thích.

6. Mì

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 6

Mỳ là món ăn nhiều em bé yêu thích vì chúng rất ngon và dễ dàng chế biến. Để ngăn ngừa việc bị nghẹn, hãy đảm bảo mì được được nấu chín và cắt thành miếng nhỏ.

7. Hoa quả mềm

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 7

Các loại hoa quả tốt cho bé mẹ có thể chọn bao gồm dưa hấu, đào, cà chua và bơ được cắt thành từng miếng hình thon dài hoặc hình khối nhỏ để dễ cầm nắm cho trẻ từ tầm 6 tháng bốc ăn.

8. Món trứng

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 8

Trứng là nguồn thực phẩm tuyệt vời cung cấp sắt, protein, và choline cho bé. Trứng cũng là một thực phẩm cho con bốc ăn rất dễ chế biến mà bạn nên có trong tủ lạnh. Vì vậy, hãy làm một số món trứng như trứng tráng hoặc trứng trưng để bé thưởng thức.

9. Súp lơ xanh

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 9

Trước khi trẻ làm chủ được khả năng cầm nắm, các bé sử dụng lòng bàn tay để nắm lấy, vì vậy hãy chuẩn bị món súp lơ xanh để cho bé khởi đầu “sự nghiệp” ăn bốc của mình. Hương vị hơi đắng của rau họ cải này có thể thử thách với trẻ có khẩu vị nhạy cảm, nhưng đừng vội từ bỏ vì khi được tiếp xúc và làm quen một thời gian, trẻ sẽ có khả năng thích nghi rất nhanh.

10. Dưa chuột

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 10

Dưa chuột có thể là món ăn cứng đối với các bé chưa mọc răng, nhưng chúng lại có tác dụng tuyệt vời để làm dịu nướu đau cho trẻ lúc mọc răng. Để con không bị nghẹn, hãy cắt dưa chuột thành những dải to dài giúp trẻ gặm chúng mà không căn phải miếng quá lớn.

11. Cá hấp hoặc nướng

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 11

Cá mềm, dễ nhai và rất bổ dưỡng là một món tuyệt vời cho các bé bốc ăn. Các món như cá hồi, cá bơn cung cấp cho con bạn DHA, một axit béo quan trọng cho sự phát triển não bộ trong 24 tháng đầu tiên của bé. Để phục vụ cá cho con yêu, bạn hãy nướng hoặc hấp (nhớ không cho muối nếu bé nhà bạn là dưới 12 tháng tuổi,) và cắt hoặc tách cá thành từng miếng nhỏ.

12. Ngũ cốc sệt, gạo dính, và khoai tây nghiền

12 món ăn bốc tuyệt ngon cho bé 12

Những món ăn này khá độc đáo và… lộn xộn, nhưng được trẻ tự bốc ăn cực kỳ yêu thích. Vì vậy, để sàn nhà khỏi bị bẩn, mẹ hãy đặt một tấm nhựa dưới ghế cao của bé trước khi bé bắt đầu bữa ăn. Chỉ cần nhớ, chơi với thức ăn là một bước quan trọng và rất có ý nghĩa với sự phát triển trí não của bé.
Theo Ngọc Dung / Trí Thức Trẻ