Zing News - Tri thức trực tuyến

Trong một gia đình có 9 người nhập viện do ngộ độc thực phẩm

Chiều 27/9, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã tiếp nhận 9 bệnh nhân nhập viện cấp cứu do ngộ độc thực phẩm.

Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Bệnh nhân đang được điều trị tích cực tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Đức Phương/TTXVN)
Đến thời điểm 18 giờ cùng ngày, tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình có 3 trường hợp ngộ độc nặng, 4 trường hợp nhẹ hơn và 2 trường hợp ngộ độc nhẹ nhất có thể tự chăm sóc cho mình.
Theo thông tin ban đầu từ Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Sở Y tế Ninh Bình, các bệnh nhân nhập viện từ 14 giờ chiều 27/9, đều là con, cháu trong gia đình bà Trần Thị Cường, 73 tuổi, thôn Lý Nhân, xã Ninh Mỹ, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đa phần các bệnh nhân nhâp viện trong tình trạng đau đầu, khô cổ, tê chân tay, hoa mắt, chóng mặt, có dấu hiệu của ngộ độc thần kinh.
Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã huy động tối đa cán bộ, bác sỹ, phương tiện cứu chữa bệnh nhân. Tối cùng ngày, 3 trường hợp bệnh nhân nặng nhất đang phải điều trị tích cực bằng các loại máy móc.
Ngay sau khi vụ việc xảy ra, ông Vũ Mạnh Dương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Ninh Bình đã có mặt tại Khoa Cấp cứu nắm tình hình, trực tiếp chỉ đạo công tác điều trị, cứu chữa bệnh nhân.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình đã huy động sự hợp tác từ Khoa Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai-Hà Nội, mời bác sỹ về phối hợp với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Ninh Bình để đưa ra hướng điều trị tốt nhất cho các bệnh nhân.
Bà Nguyễn Thị Hường, Chi cục Trưởng Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm Ninh Bình cho biết, các bệnh nhân nhập viện đều ăn bữa trưa lúc 12 giờ tại gia đình bà Trần Thị Cường, thức ăn gồm có thịt vịt quay, canh rau ngót, chả thịt lợn, thịt cầy, trứng rán..
Đáng lưu ý, gia đình đã mua thịt vịt tươi sống tại chợ và nhờ một cửa hàng khác ướp gia vị và quay vịt. Hiện vẫn chưa có kết luận về nguyên nhân của vụ ngộ độc thực phẩm này.
Chi cục đã lấy mẫu dịch rửa dạ dày của bệnh nhân, thức ăn thừa từ bữa ăn, gia vị ướp thịt để gửi Viện Kiểm nghiệm An toàn Vệ sinh Thực phẩm quốc gia xét nghiệm nhằm đưa ra kết luận về vụ ngộ độc thực phẩm./.
Theo dantri.vn

Bé gái đầu tiên sinh ra từ "ống nghiệm" giờ ra sao?

18 năm trước, Lan Thy là bé gái đầu tiên ở Việt Nam được ra đời bằng phương pháp thụ tinh ống nghiệm. Câu chuyện về sự ra đời "khác người" của em đã trở thành chủ đề kỳ thị, bàn tán, em đã khóc rất nhiều khi bị gọi là đồ nhân tạo...

Bệnh viêm mũi. Bệnh nhẹ, biến chứng nặng

Viêm mũi là tình trạng viêm niêm mạc hoặc tổ chức dưới niêm mạc của mũi. Biểu hiện là sung huyết hoặc phù nề...

Biểu hiện là sung huyết hoặc phù nề, người bệnh thường cảm thấy ngạt mũi, chảy dịch mũi trong, ngứa mũi, họng khó chịu, ho. Mọi người cho rằng nhức đầu sổ mũi là chuyện vặt, tuy nhiên nếu không điều trị đúng thì biến chứng viêm mũi xoang không hề nhẹ.
Các loại viêm mũi
Viêm mũi dị ứng: Trong các loại viêm mũi, loại hay gặp nhất là viêm mũi dị ứng. Viêm mũi dị ứng có 2 thể: thể có chu kỳ và thể không có chu kỳ. Thể có chu kỳ xảy ra một cách đột ngột về đầu mùa lạnh hoặc đầu mùa nóng. Người bệnh thấy buồn buồn (nhột), cay cay trong mũi, hắt hơi từng tràng; đồng thời thấy cay mắt, đỏ mắt và chảy nước mắt. Sau đó nước mũi chảy đầm đìa. Nước mũi trong như nước lã. Người bệnh thấy nặng đầu, tay chân uể oải, sợ ánh sáng; có người bị đau trán, nhức đầu... Những cơn như vậy thường xảy ra vào buổi sáng sớm. Tình trạng này kéo dài trong vài ngày, có khi hằng tuần rồi tự biến mất. Mỗi năm vào đúng thời kỳ đó lại tái diễn bệnh. Thể không có chu kỳ cũng có dấu hiệu tương tự, nhưng xảy ra bất kỳ ở thời tiết nào.


Phân biệt giữa viêm mũi và cảm cúm
Viêm mũi cấp tính: Là do nhiễm vi khuẩn hoặc do virut gây ra, giai đoạn đầu do các mao mạch của tế bào mũi sung huyết, tăng xuất tiết, chảy dịch trong, sau vài ngày, dịch rỉ lắng đọng trên bề mặt niêm mạc, hình thành dịch mũi đặc.
Viêm mũi mạn tính: Do viêm mũi cấp tính điều trị không dứt điểm hoặc trị lâu ngày không khỏi. Biểu hiện sưng niêm mạc, tăng xuất tiết, dịch đặc màu vàng hoặc màu trắng, thời gian kéo dài, thường bị ngạt mũi hoặc đau đầu và nặng hơn sau mỗi lần cảm cúm.
Viêm mũi do mũi khô: Biểu hiện niêm mạc mũi khô, người bệnh thường không chảy mũi nhưng do khoang mũi khô ngứa, người bệnh thường ngoáy mũi, nên gây tổn thương niêm mạc dẫn đến chảy máu mũi.
Viêm mũi do khô teo: Đây là một loại bệnh về mũi phát triển rất chậm, thường bệnh này có liên quan tới chứng rối loạn nội tiết, dinh dưỡng không đầy đủ, yếu tố di truyền hoặc khi mắc phải viêm mũi mạn tính. Các tuyến trong khoang mũi bị teo, dịch mũi có mủ xanh, mùi hôi...
Từ một viêm mũi nhẹ có thể gây biến chứng nặng nề
Bệnh viêm mũi nếu không được chữa trị, hoặc chữa trị không đúng cách sẽ có nhiều biến chứng và ảnh hưởng chức năng sinh lý của mũi. Sẽ xuất hiện tình trạng hô hấp khó khăn, làm giảm lượng ôxy hít vào. Ảnh hưởng chức năng và sự chuyển hóa của các bộ phận khác xung quanh mà xuất hiện một số tình trạng như đau đầu, chóng mặt, suy giảm trí nhớ, đau ngực, bồn chồn...
Ngoài ra, có thể ảnh hưởng niêm mạc khứu giác gây mất ngửi; gây biến chứng hô hấp dưới như viêm thanh quản, viêm khí quản, viêm phế quản mạn tính, hen phế quản...; biến chứng mắt: rất hay gặp, nhất là ở trẻ em, vi khuẩn theo ống lệ tỵ từ mũi lên gây viêm bờ mi, viêm kết mạc, viêm tuyến lệ, túi lệ,... 
Nếu viêm mũi biến chứng thành viêm xoang mà không được trị khỏi kịp thời, viêm nhiễm sẽ phát triển lây lan ra bộ phận khác, tổ chức khác của của cơ thể, như gây viêm hốc mắt, viêm dây thần kinh võng mạc, viêm não, viêm màng não, áp-xe não, huyết khối xoang hang hoặc viêm tắc tĩnh mạch xoang... Hơn nữa khi viêm mũi không thở nổi, hô hấp khó khăn sẽ kích hoạt hội chứng ngưng thở khi ngủ, người bệnh phì đại cuốn mũi, khi ngủ thiếu ôxy, nghiêm trọng gây nhồi máu, bộc phát bệnh tim mạch, có những bệnh nhân thậm chí đột tử. 
Khoảng 90% các ca bệnh ung thư mũi là do bệnh viêm mũi lâu ngày trị không khỏi mà tạo thành. Như vậy, từ một viêm nhiễm nhẹ ở mũi có thể sẽ gây ra những biến chứng nặng nề khó lường, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng người bệnh. Do đó, không thể xem thường nhức đầu sổ mũi như nhiều người vẫn tưởng. Tốt nhất, khi có biểu hiện viêm nhiễm ở khu vực tai-mũi-họng, nên đến cơ sở có chuyên khoa để thăm khám và điều trị, tránh bỏ lỡ thời gian điều trị tốt nhất.
Cách phòng bệnh hiệu quả
Ngoài việc tránh các tác nhân gây viêm mũi nói chung và viêm mũi dị ứng nếu bạn bị dị ứng như sử dụng máy điều hòa, làm giảm độ ẩm trong nhà, luôn bật quạt hút khi tắm, quạt hút mùi khi nấu ăn; hút bụi thường xuyên, lau chùi nhà cửa, chăn mền giặt sạch sẽ... Ngoài ra, việc rửa mũi hằng ngày bằng dung dịch nước muối sẽ giúp phòng ngừa hiệu quả. Đặc biệt những người bị các triệu chứng xoang mạn tính, viêm xoang cấp, cảm lạnh, các triệu chứng do cảm cúm, rửa mũi sẽ có lợi. Tuy nhiên, không rửa mũi khi có nhiễm khuẩn tai hoặc mũi đang bị tắc gây khó thở.
Khi bạn bị cảm cúm, ban đầu cũng có biểu hiện tại mũi. Làm thế nào để có thể tự phán đoán mình bị viêm mũi hay là bị cảm cúm?
Hắt xì hơi nhiều lần: Những người bị cảm cúm thì mức độ hắt xì hơi không nghiêm trọng như người bị viêm mũi, nếu tần suất hắt xì hơi quá nhiều, rất có thể bạn đã bị viêm mũi.
Nước mũi chảy thường xuyên và liên tục: Những người bị cảm cúm thì triệu chứng ban đầu là nước mũi không nhiều, còn người bị viêm mũi thì có triệu chứng ngược lại, lúc nào cũng chảy nhiều nước mũi.
Mũi bị nghẹt và ngứa: Bị nghẹt mũi lâu ngày, phải thở bằng miệng, chức năng khứu giác bị suy giảm, người mắc bệnh viêm mũi thì xuất hiện triệu chứng mũi ngứa, người bị cảm cúm sẽ không có triệu chứng này.




Theo Sức khỏe & Đời sống

Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ

Mặc dù nghèo, phải tích cóp rất lâu mới đủ tiền nhưng một cụ ông vẫn quyết định mua nhẫn kim cương tặng vợ vì muốn vợ mình là người phụ nữ hạnh phúc.

Những bức ảnh chụp lại cảnh tượng vô cùng cảm động tại một cửa hàng trang sức ở trung tâm mua sắm thành phố Tân Cương đang được cư dân mạng lan truyền nhanh chóng. Trong hình, một cụ ông đã mua nhẫn kim cương tặng cụ bà vì muốn làm vợ hạnh phúc hơn.
Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 1

Hai vợ chồng đều ăn mặc rất giản dị, trông có phần khó khăn, khi thanh toán, cụ ông cũng lôi từng cọc tiền tích lũy trong thời gian dài được cuộn lại cẩn thận để nhân viên bán hàng đếm lại.

Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 2
Khi được hỏi, tại sao lại quyết định mua nhẫn kim cương tặng vợ, cụ ông sảng khoái trả lời: "Cuộc sống này nhiều cực khổ, cay đắng, tôi muốn làm cho vợ mình được hạnh phúc hơn". Có lẽ đây là sự lãng mạn bất kể tuổi tác của một tình yêu đích thực, là sự trân trọng, nâng nìu tình cảm, suy nghĩ của đối phương ngay cả khi hai người đã ở vào độ tuổi gần đất xa trời.
Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 3

Câu chuyện nhanh chóng lan truyền và khiến cộng đồng mạng cảm động. Nhiều người tỏ ra ngưỡng mộ tình yêu của cụ ông với cụ bà và thầm ước mình cũng sẽ có một người bạn đời như vậy. "Người ta nói tiền không mua được hạnh phúc nhưng trong trường hợp này, cụ bà chắc hẳn phải mãn nguyện đến suốt kiếp vì có người chồng yêu thương mình như vậy", một cư dân mạng bình luận.
Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 4
Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 5
Cảm động chồng nghèo tích cóp cả đời mua nhẫn kim cương cho vợ 6
Theo Dân Việt

Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè

Bất kỳ ai đi ngang qua góc đường Tuệ Tĩnh, Tôn Thất Hiệp (Q.11, TPHCM) cũng đều đã quen với một bà cụ đầu tóc bạc phơ ngồi bên quán hàng nhỏ có phần xập xệ và cũ kỹ. Đã hơn 40 năm nay, bà Trần A Kíu vẫn ngày ngày bám trụ nghề bán bột chiên, hủ tiếu.

Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 1
Bà Trần A Kíu, năm nay 73 tuổi, là người Hoa. Gia cảnh nghèo khó nên bà phải bươn chải kiếm sống từ nhỏ với đủ nghề. Đến những năm 30 tuổi bà phát hiện ra góc nhỏ trước trường mầm non là địa điểm thu hút người qua đường nên dọn ra bán hàng ăn. Từ đó đến nay đã 40 năm, dù trời nắng hay trời mưa, cứ 4 giờ chiều là bà lại dọn hàng ra bán đến tận 10 giờ khuya, không nghỉ một ngày nào.

Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 2
Quán bà Kíu ở số 196 - 198 Tuệ Tĩnh, Q. 11, TPHCM, thời gian bán từ 16h - 22h mỗi ngày. Quầy hàng của bà rất đơn giản, không bảng hiệu, không tủ kiếng. Tất cả chỉ vỏn vẹn mấy hủ gia vị và vài chiếc thau đựng nui, bột chiên, bánh canh, hủ tiếu… bày trên chiếc bàn gỗ do bà tự tay đóng. Nhìn từ ngoài vào thậm chí nhiều người còn không biết bà bán món gì.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 3

Vì tuổi đã cao nên bà làm rất chậm, bà lại chỉ có một mình, nên khách đến ăn thường phải đợi ít nhất 10 phút mới có đồ ăn. Dù vậy, cảm thông cho bà chủ quán lớn tuổi, không vị khách nào phàn nàn hay hối bà phải làm nhanh. Chị T., 32 tuổi, một vị khách quen của quán cho hay “Nhà tôi ở gần đây nên lâu lâu hay ghé quán ủng hộ bà. Thấy tội bà lắm, già cả vậy mà bán có một mình, không thấy con cái ra phụ. Có hôm đến 10 giờ khuya vẫn thấy bà cụ lọ mọ một mình dọn dẹp đống nồi niêu, chén bát”.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 4
Bà Kíu có hai người con, con trai năm nay 50 tuổi, con gái đã 32, cả hai đều đã có gia đình và con cái. “Hồi trước thì tụi nó cũng ra đây phụ, nhưng kể từ khi lập gia đình rồi thì bận rộn không ra nữa. Đứa con trai cả cũng chạy xe ôm suốt, còn đứa con gái phải đi giúp việc nhà cho người ta, có thời gian đâu”, bà Kíu tâm sự. Dù nói vậy nhưng cụ vẫn không giấu được ánh mắt buồn khi nhắc về hai con. “Ờ, mỗi ngày hai lượt phải kêu hai chuyến xe đẩy mới thồ hết đống nồi niêu xong chảo, bàn ghế về nhà cũng cực nhưng bà quen rồi. Thà bán hàng sớm khuya còn khỏe, chứ nằm không ở nhà là bệnh liền”.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 5
Món ăn của bà giá rất bình dân, chỉ trung bình 15.000 đồng/món. Bột chiên là món bà bán đắt hàng nhất. Với số lượng ít ỏi, chỉ 1kg bánh canh, 1kg nui, 1kg hủ tiếu, 4kg bột chiên, mỗi ngày bà chỉ kiếm được trung bình 200.000 đồng, hôm nào đông khách thì được 300.000 đồng, nhưng có hôm ế ẩm, bà chỉ bán được 70.000 đồng. “Bây giờ khu này đông người bán nên tiền thu được ít lắm, bù chi phí củi lửa, nguyên liệu này nọ, còn lại thì đủ ăn. Mà bà cũng ăn ít lắm nên cũng không lo lắng gì. Chỉ mong ngày nào cũng bán hết hàng là vui rồi”.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 6
Những lúc vắng khách, bà lại ngồi cặm cụi cắt bột, xắt thịt, xắt hành.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 7
Mấy hôm nay khách đông hơn thường lệ, bà loay hoay hết bắc chảo lên chiên bột rồi bưng nồi nước lèo để làm tô bánh canh. Thương bà một thân một mình, những người bán hàng bên cạnh hay chạy qua giúp đỡ. “Những khi đông khách có con bé hàng xóm hay chạy ra phụ bà bưng đồ ăn, rửa chén, tính tiền. Có con bé phụ bà đỡ phải chạy tới chạy lui“, bà Kíu tâm sự.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 8
Không chỉ những người bán hàng mà cả những vị khách hàng cũng nghĩ ra nhiều cách để giúp đỡ bà cụ. Có người thì lâu lâu ghé quán ủng hộ, có người thì ăn xong trả tiền cao hơn và từ chối nhận tiền thối lại. Cô bé này thì ủng hộ bà bằng cách ăn tù tì hai món cùng lúc.
Cụ bà 73 tuổi, 40 năm bán hủ tiếu vỉa hè 9
Thấm mệt sau ba giờ đồng hồ miệt mài xào nấu, bà cụ đưa tay quệt mồ hôi trên trán, vừa cười vừa nói: “Sau này không còn sức bán nữa thì tôi kiếm nghề gì đó để làm chứ tôi không muốn là gánh nặng cho con cái. Cuộc sống của tụi nó đã vất vả lắm rồi”.
Theo Lê Minh / Trí Thức Trẻ

Bi hài “nghề” ông già Noel

Đó là những tình huống dở khóc dở cười hay những ứng biến tài tình của người nhập vai ông già Noel mà chỉ người trong “nghề” mới biết.

Cái duyên đến với “nghề” ông già Noel
“Mọi người đã bao giờ nghĩ ông già Noel phải chơi beat box, nhảy hip hop và đọc Rap chưa? Vậy mà mình phải làm đấy”, đó là một trong những tình huống thành công nhất của nhóm “Ông già Noel sinh viên”.

Bi hài “nghề” ông già Noel 1
Chuẩn bị nhập vai ông già Noel

Phải đến lần thứ ba hẹn gặp, chúng tôi mới có cơ hội được gặp hết các thành viên trong nhóm “Ông già Noel sinh viên”, bởi thời gian này các bạn bắt đầu “chạy sô” đi tặng quà cho các cháu học sinh.

Gặp cả nhóm tại một quán cà phê gần cổng trường tiểu học quận Đống Đa. Vừa đi tặng quà cho một bạn học sinh, các thành viên trong nhóm vẫn mặc trên mình bộ quần áo ông già Noel với bộ râu dài trắng mướt.
Hoàng Ngự là người mở đầu câu chuyện bằng những chia sẻ về cái duyên khiến 5 năm nay, các thành viên được mọi người gọi là ông già Noel. Trước khi làm ông già Noel, Ngự đã có kinh nghiệm làm MC đám cưới. Vô tình trong một lần làm MC, cô dâu là cô giáo dạy tại một trường tiểu học ở quận Ba Đình. Sau đám cưới đó, cô dâu đã nhờ Ngự dẫn chương trình MC của trường học cô đang dạy nhưng MC lần này lại trong vai ông già Noel.

“Khi nghe điện thoại, mình hơi ngạc nhiên nhưng chợt nghĩ công việc mới cũng khá thú vị nên mình quyết định nhận lời để thử làm xem sao. Khi đó mình phải gọi thêm ba bạn nam nữa cùng thành lập nhóm “Ông già Noel sinh viên”. Mới đó cũng đã 5 năm nhóm mình làm việc này”, Ngự vui vẻ cho biết.
Tiếp nối câu chuyện, Tùng Anh chia sẻ: “Mỗi năm đến Giáng sinh, nhóm lại tất bật sửa soạn đi tặng quà từ 10-25.12. Khách hàng chủ yếu là khách quen tại các trường tiểu học trên địa bàn Hà Nội và một số các gia đình liên hệ qua số điện thoại trên trang web của nhóm.
“Công việc tặng quà của ông già Noel chỉ gói gọn trong khoảng 10 ngày, chạy từ 6h sáng đến tận 12h đêm. Những nơi cách xa nhau như Thanh Trì, Cầu Giấy có khi chúng mình phải dậy từ lúc 5h sáng. Cả nhóm hầu như cả ngày không gặp mặt nhau, chỉ trao đổi công việc qua điện thoại. Kết thúc Giáng sinh, sau khi trừ xăng xe và tiền ăn, mỗi người cũng được 5-6 triệu đồng. Có năm, nhiều khách có thể được 7-8 triệu đồng”.
Những tình huống “khó đỡ”
Chuẩn bị kỹ đến đâu cũng không thể tránh khỏi những tình huống khách quan xảy ra. Chợt dừng lại câu chuyện, Dương Hùng hỏi chúng tôi: “Mọi người đã bao giờ nghĩ ông già Noel phải chơi beatbox, nhảy hiphop và đọc rap chưa? Vậy mà nhóm mình phải làm đấy”.

Bi hài “nghề” ông già Noel 2
"Ông già Noel" lên đường đi phát quà

Dương Hùng kể: “Trong một lần đi tặng quà tại một trường tiểu học ở quận Hoàn Kiếm, dù ban tổ chức đã chuẩn bị nhạc để ông già Noel hát mừng Giáng sinh với các cháu nhưng khi đang hát thì đột nhiên mất điện. Tình huống này nếu không xử lý sẽ dễ bị vỡ chương trình. Để lâu ông già Noel cũng sẽ bị lộ và không còn thú vị với các cháu nữa”.
“Lâm Anh bỏ micro xuống, bắt đầu đọc rap và cả nhóm cùng nhảy hiphop luôn, các cháu nhỏ ùa theo hưởng ứng khiến cho không khí vui nhộn hẳn lên. Ngay lúc đó có điện, Lâm Anh hỏi cháu nào nhảy được Gangnam Style lên sân khấu? Rất nhiều cháu đã đồng loạt nhảy lên sân khấu cùng nhảy Gangnam Style với mình. Ngày hôm đó, các thầy cô cũng phải cười nắc nẻ vì có những trẻ nhỏ mới học lớp một nhưng nhảy rất giỏi và ngộ nghĩnh”, Hùng vừa cười vừa thuật lại.
Nhiều khi đi tặng quà cho mọi người các thành viên trong nhóm cũng gặp phải những tình huống dở khóc dở cười. Quần áo của ông già Noel làm ẩu nên việc bị rách, đứt cúc áo hay quần bị tụt, râu bị bay tá lả.
Tùng Anh chia sẻ: “Chuyện quần áo ông già Noel làm ẩu nên việc đứt cúc áo hay bị rách quần là chuyện bình thường. Có lần mình đang tặng quà cho các cháu thì hàng loạt chiếc cúc áo bị đứt, làm bụng giả lộ ra. Các cháu nhỏ phát hiện, mình phải lấy cớ là đi tặng áo cho các bạn nhà nghèo”.
“Một lần đang đi tặng quà tại quận Hoàng Mai, quần ông già Noel mình mặc bị rộng nên tụt xuống đến đầu gối. Mình phải tìm vào nhà vệ sinh lấy dây ở túi quà để buộc lại quần cho chắc chắn mới vào tặng quà. Cũng may mình mặc quần dài ở trong và râu của ông già Noel che gần hết mặt nên đỡ ngại”, Hoàng Ngự hóm hỉnh kể lại.
Diễn tả lại điệu bộ của mình trong một tình huống, Tùng Anh kể tiếp: “Mình cũng có thói quen sờ bụng để pha trò với các cháu, nhiều cháu đã quen với mình nên cũng sờ bụng mình theo. Có lần không kịp trang bị bụng giả, tự nhiên có một bàn tay sờ vào bụng trong khi mình đang chú ý phát quà làm mình giật thót”.
Thời gian cuốn theo những câu chuyện kể của nhóm “Ông già Noel sinh viên” như không muốn ngừng lại. Chợt có chuông điên thoại, cũng là lúc các thành viên trong nhóm phải tiếp tục công việc của mình. Trong bộ quần áo ông già Noel và túi quà, cả nhóm tiếp tục mang đến những lời chúc cho tất cả mọi người.
Theo Dân Việt

Chàng trai H’Mông đồng tính: Bố mẹ vẫn giục lấy vợ

Bố mẹ Lùng là người dân tộc, không biết khái niệm “đồng tính” nên vẫn giục con trai lấy vợ.

Được biết đến sau bộ ảnh “Daydreamers” (“Những kẻ mộng mơ” – bộ ảnh về người đồng tính gây sốt), chàng trai H’Mông Sùng A Lùng (sinh năm 1993, Lai Châu) khiến nhiều người bất ngờ về khả năng thể hiện cảm xúc cũng như cái hồn của nghệ thuật ảnh.
Anh là một diễn viên múa nổi tiếng, từng đạt huy chương vàng hội thi các trường nghệ thuật toàn quốc (năm 2010), từng được những người đầu ngành đánh giá là “hòn ngọc quý hiếm trong làng múa”… Nhưng trước khi chạm tay tới vinh quang ấy, chàng trai dân tộc đã trải qua vô vàn khó khăn.

Tuổi thơ gian khó
Nhìn làn da trắng, gương mặt thư sinh, vóc dáng chuẩn, chẳng ai ngờ được Sùng A Lùng lại là chàng trai dân tộc H’Mông lớn lên giữa vùng rừng núi nghèo nàn, khắc nghiệt. Sùng A Lùng sinh ra tại bản Chản Phàng, xã Sin Súi Hồ, huyện Phong Thổ, Lai Châu, chỉ cách biên giới 3 cây số.
Đó là một bản nghèo, xung quanh là núi rừng, đất đá lởm chởm, sương muối phủ kín. Cuộc sống gia đình A Lùng cũng như người dân nơi đây rất khó khăn, một vụ lúa chỉ đủ ăn mấy tháng, thời gian còn lại phải ăn ngô, sắn, rau rừng…
Chàng trai H’Mông đồng tính: Bố mẹ vẫn giục lấy vợ 1
Sùng A Lùng - chàng trai dân tộc H'Mông đam mê múa.

Tuổi thơ của chàng trai gắn liền với nương rẫy, núi đồi. 3 tuổi, Lùng đã lẫm tẫm theo mẹ lên
nương, 4 tuổi đã địu em sau lưng đi nhặt những hạt thóc rơi vụn trên ruộng đồng. Lùng kể, mùa nắng thì cháy da, mùa mưa thì lúc nào người cũng ướt sũng bởi cậu là anh trai cả trong nhà có 5 anh em nên phải phụ cha mẹ kiếm cái ăn.

Lớp 1, Lùng học tại bản. Hết lớp 1 chỉ biết nói đúng hai từ “không biết”. Lớp 2 anh được chuyển lên xã học. Trường học cách bản mấy quả đồi nên anh và các bạn phải dựng lều ở tại đó.
Lùng kể: “Mỗi tuần mình về thăm nhà một lần. Chơi với em được hơn một ngày rồi lại trèo đèo, lội suối, cuốc bộ qua mấy quả núi về trường với 10 bát gạo sau lưng. Hàng ngày, ngoài giờ học, mình và các bạn vào rừng lấy củi, hái rau, bắt chuột, bẫy chim… Ngoài gạo bố mẹ cho, đồ ăn chúng mình phải tự kiếm. Mùa đông mới gọi là khổ. Lạnh lẽo, mưa bão đủ kiểu. Có lần bão thổi tung mái lều, suýt chết vì có cục đá ở đâu rơi ngay cạnh đầu”.
Lùng và các bạn đã trải qua suốt 4 năm học trong điều kiện khắc nghiệt như thế. Lớp 6, anh được xuống huyện học nội trú nên cuộc sống bớt nhọc nhằn hơn. Không chỉ học văn hóa tốt, Lùng còn có năng khiếu đặc biệt về múa.
Năm lớp 8, Lùng đạt giải nhất huyện bộ môn múa, năm lớp 9 đạt giải nhất tỉnh và được tuyển thẳng vào trường Đại học Văn hóa – nghệ thuật quân đội.
Chàng trai H’Mông đồng tính: Bố mẹ vẫn giục lấy vợ 2
Vượt qua khó khăn, Lùng trở thành diễn viên múa đương đại chuyên nghiệp.

Được học môn nghệ thuật mình đam mê trong một môi trường tốt, A Lùng nỗ lực không ngừng. Mọi thứ của Thủ đô đều lạ lẫm với chàng trai dân tộc H’Mông, nhưng anh đã nhanh chóng hòa nhập bởi, đó là con đường duy nhất giúp anh vượt qua cái đói, nghèo.
Qua hai năm học múa chuyên nghiệp, Lùng đã được tuyển vào làm tại Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Học thêm ba năm chuyên ngành múa hệ trung cấp, anh chính thức trở thành nghệ sỹ múa chuyên nghiệp. Cái tên Sùng A Lùng hay “chàng trai H’Mông múa giỏi” đã quá quen thuộc với những người trong làng múa. Sự thành công của Lùng khiến cả gia đình và vùng quê sinh ra cậu bất ngờ.
Trong khi cuộc sống và công việc tại Thủ đô đang ổn định, Lùng lại quyết định bỏ ngang để vào Sài Gòn lập nghiệp. Lùng bảo: “Mình yêu Hà Nội nhưng Sài Gòn hợp với mình hơn. Dù con đường phía trước đầy gian nan, nhưng nếu ai đã trải qua nhiều chông gai như mình rồi thì chẳng khó khăn nào khuất phục được nữa”.
Ăn ngủ cùng vũ điệu
Con trai học múa không nhiều, con trai dân tộc miền núi đam mê múa còn hiếm hơn. Tài năng của Lùng được thầy cô đánh giá như “bông hoa quý nở bung giữa rừng”.
Lùng tâm sự: “Mình đến với múa cũng tự nhiên lắm. Hồi học ở huyện, mình là đứa con trai duy nhất trong lớp xung phong tham gia đội múa. Trong các buổi văn nghệ một mình mình là nam múa với một nhóm bạn nữ. Sau đó đi thi, đạt giải và được tuyển thẳng và trường Văn hóa nghệ thuật. Tự nhiên mình đam mê múa lúc nào không hay”.
Dù có năng khiếu bẩm sinh nhưng khi bắt đầu học múa chuyên nghiệp, Lùng gặp nhiều khó khăn. Phải tập những động tác như ép người, xoạc chân khiến anh đau đến khóc thét, rồi ngày hôm sau không thể đi nổi. “Nhưng những cái đó đâu có là gì so với việc phải ăn ngủ ở rừng, lên nương làm rẫy… Dần dần rồi mình cũng quen, việc lập luyện dễ dàng hơn” – Lùng chia sẻ.
Sùng A Lùng được gọi là chàng trai “ăn ngủ cùng vũ điệu”, bởi ở bất kỳ đâu anh cũng có thể múa. Múa đi chung với cuộc sống của Lùng, giúp anh vượt qua nhiều khó khăn, thậm chí vực anh dậy trong những lúc thất vọng đến cùng cực. Lùng bảo, con đường đi từ bản nghèo đến với anh vất vả, lởm chởm quá nên giờ anh quý trọng từng điệu múa như chính cuộc sống của mình.
Sùng A Lùng là một chàng trai đồng tính. Điều đó càng khiến anh trở nên “dị biệt” trong mắt nhiều người. Lùng tâm sự: “Hồi còn nhỏ xíu, mình thích một bạn con trai. Chẳng hiểu sao mình luôn có cảm giác lạ khi ở gần bạn ấy. Nhưng lúc đó không biết như vậy là đồng tính hay gì. Lớn lên rồi, mình cũng có những rung cảm đặc biệt như thế”.
Bố mẹ Lùng là người dân tộc, không biết khái niệm “đồng tính” nên vẫn giục con trai lấy vợ, sinh con. Lùng chỉ lấy lý do còn trẻ, còn muốn phiêu lưu để trì hoãn. Với cộng đồng, Lùng can đảm công khai và sống thật với giới tính của mình. Nhưng với gia đình, Lùng bảo, cậu cần thời gian.
Nhận lời tham gia làm mẫu cho bộ ảnh “Daydreamers” (Những kẻ mộng mơ), Sùng A Lùng khẳng định cuộc sống được tái hiện trong bộ ảnh chính là những gì anh luôn mơ ước. Lùng muốn có một gia đình nhỏ hạnh phúc bên người yêu và đứa con trai bé bỏng. Chính niềm mơ ước rất thật ấy giúp anh có được biểu cảm chân thật và bộ ảnh đã lấy được cảm xúc của người xem.
Chàng trai H’Mông đồng tính: Bố mẹ vẫn giục lấy vợ 3
Cuộc sống được tái hiện trong bộ ảnh chính là điều Sùng A Lùng luôn mơ ước.

Từ một chàng trai dân tộc H’Mông, suốt tuổi thơ “ăn sương nằm gió” với núi rừng, Lùng đã trở thành diễn viên múa đương đại chuyên nghiệp. “Là một người bình thường, kiếm tìm hạnh phúc đã khó. Là một người đồng tính, hạnh phúc còn khó hơn gấp bội. Nhưng rồi nếu dám yêu, dám là mình thì sẽ đặt chân đến bậc thềm của hạnh phúc” – Sùng A Lùng vẫn tin như vậy.

Theo Dân Việt

Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép?

Tắm biển, chơi golf, ăn kem là những cách để Tổng thống Obama xua tan căng thẳng công việc khi tận hưởng kì nghỉ phép cùng gia đình ở đảo Hawaii.

Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 1
Tổng thống Obama đã trải qua một năm 2014 đầy khó khăn vì những thách thức như đại dịch Ebola, sự trỗi dậy của Nhà nước Hồi giáo (IS) và cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ thất bại của đảng Dân chủ. Vì thế, quần đảo Hawaii, vốn được xem là khu nghỉ dưỡng thiên đường và cách biệt hoàn toàn với thế giới, là điểm đến lý tưởng của gia đình Obama trong kỳ nghỉ cuối năm. Tổng thống Mỹ đã bắt đầu kỳ nghỉ từ ngày 20/12. Ảnh: AFP

Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 2
Dù ông Obama lớn lên ở đảo Honolulu, nhưng gia đình Tổng thống sẽ nghỉ tại Kailua, bờ biển phía đông đảo Oahu. Nơi đây cũng rất gần với căn cứ Hawaii của lực lượng lính thủy đánh bộ khiến công tác bảo vệ an ninh cho tổng thống dễ dàng hơn. Đô đốc Samuel Locklear, chỉ huy Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương, cùng vợ là bà Pam Locklear đón gia đình ông Obama tại căn cứ Trân Châu Cảng - Hickham. Ảnh: AFP
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 3
Tòa nhà Plantation Estate là nơi mà "gia đình Đệ nhất" thường xuyên lưu lại trong suốt kỳ nghỉ tại Hawaii, do vậy cơ ngơi này còn có biệt danh không chính thức là "Nhà Trắng Mùa Đông". Ảnh: Huffington Post
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 4
Hawaii nổi tiếng với bờ biển trong xanh và bờ cát trắng trải dài. Bơi lội chắc chắn là hoạt động không thể thiếu trong ngày nghỉ của gia đình Obama. Ảnh: Huffington Post

Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 5
Bà Michelle Obama (ngoài cùng bên trái) cổ vũ khi con gái Malia lướt sóng gần căn biệt thự mà gia đình tổng thống đã thuê. Ảnh: Splash News/Daily Mail
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 6
Môn thể thao mà ông Obama rất thích là đánh golf. Ngoài các sân golf lớn như Olomana Golf Links và Royal Hawaiian Golf Club, địa điểm ông Obama đến chơi nhiều nhất là sân golf Kaneohe Klipper trong căn cứ của lực lượng lính thủy đánh bộ ở Hawaii. Ảnh: AFP
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 7
Ông Obama chắc chắn sẽ dùng bữa tại những nhà cao cấp tại Oahu. Tuy nhiên, ông rất thích thưởng thức những món ăn vặt gắn liền với thời thơ ấu. Một trong những món ưa thích của ông Obama chính là loại kem tuyết "đặc sản" ở Hawaii. Ảnh: AFP
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 8
Ông Obama chào người dân khi đến mua kem tại một cửa tiệm địa phương. ẢNh: LA Times
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 9
Hương vị mà ông Obama chọn cho cây kem của mình gồm chanh, anh đào và ổi. Chủ Island Snow, tiệm kem mà Tổng thống Mỹ và các con thường lui tới, đã đặt tên cho công thức chế biến loại kem ưa thích của ông Obama là "Snowbama". Ảnh: Huffington Post
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 10
Tổng thống Obama cùng phu nhân và các con gái theo dõi một trận thi đấu bóng rổ giữa hai đội tuyển sinh viên. Ảnh: AFP
Người quyền lực nhất nước Mỹ làm gì trong ngày nghỉ phép? 11
Ông Obama và các con tận hưởng kỳ nghỉ đông ở đảo Hawaii. Ảnh: Huffington Post
Theo Zing

Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ

Bỏ ngang công việc trong trường ĐH, Tuấn Tây cùng vợ quyết định theo niềm đam mê xăm hình. Họ đã gặt hái được một số thành công nhất định, trở thành đôi thợ xăm có tiếng đất cảng.

Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 1

Xuất hiện trong lễ hội xăm lớn nhất cả nước - Vietnam Tattoo Convention năm 2014, cặp vợ chồng thợ xăm đến từ Hải Phòng, Julie Hải Yến và Tuấn Tây thu hút sự chú ý của đông đảo bạn trẻ. Tại đây, Tuấn Tây đã trình diễn lại quá trình xăm kín lưng cho vợ.
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 2
Nhìn động tác thuần thục của Tuấn Tây (tên thât là Nguyễn Tuấn Anh), ít ai ngờ rằng anh đã từng là giảng viên của ĐH Hải Phòng, trước khi trở thành thợ xăm chuyên nghiệp. Hải Yến là sinh viên của Tuấn Anh trước khi trở thành vợ, người cộng sự trong công việc hiện tại.

Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 3
Trước khi cùng chồng khởi nghiệp với đam mê xăm hình, Hải Yến từng tốt nghiệp loại khá ngành Ngoại ngữ tại ĐH Hải Phòng. Sau đó, cô có 1 năm du học tại Trung Quốc. Với ấn tượng sâu sắc mà môn nghệ thuật Opera China mang đến, những hình xăm trên cơ thể Hải Yến hiện tại đều gắn liền với nét đẹp văn hoá này. Hình xăm kín đùi của cô có ý nghĩa tôn vinh tình yêu - sắc đẹp - hoà bình.
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 4
Hiện tại, Yến đang làm chủ một spa xăm thẩm mỹ tại Hải Phòng. Cô luôn tự hào khi nói về nghề nghiệp của mình và chồng. "Tôi muốn các bạn trẻ biết rằng xăm mình là một nét đẹp văn hoá, những người theo đuổi nghệ thuật này hoàn toàn có học thức - trình độ cao. Chúng tôi đang nỗ lực từng ngày để thay đổi cái nhìn của xã hội dành cho những người có đam mê xăm".
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 5
Quyết định xăm những hình to bản trên cơ thể, Hải Yến muốn chứng minh cho mọi người biết về tình yêu sâu sắc mà cô dành cho loại hình nghệ thuật này. "Để sống chung với hình xăm, bạn cần có bản lĩnh. Để giữ một hình xăm to trên cơ thể, tôi cần nhiều hơn thế nữa, điều đó nói lên rằng, tôi có thể vượt lên tất cả định kiến xã hội để chứng minh niềm đam mê và tình yêu của mình".
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 6
Hình cô gái biểu tượng cho sắc đẹp. Hình chim phượng là hiện thân của sức mạnh.
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 7
Hình xăm nơi bắp đùi từng giúp vợ chồng cô giành giải nhì, thể loại tranh màu nhỏ, trong cuộc thi Vietnam Tattoo Convention năm ngoái.
Cựu giảng viên ĐH Hải Phòng tự tay xăm kín lưng cho vợ 8
Sự nóng bỏng và hình xăm kín lưng của Hải Yến thu hút sự chú ý của người xem.
Theo Zing

Khả năng kỳ lạ của cậu bé VN chơi trống đẳng cấp thế giới

Ngoài tài năng chơi trống tuyệt đỉnh, Trọng Nhân còn bộc lộ khả năng thiên bẩm của mình trong nhiều lĩnh vực khác, điển hình là học tập.

Nguyễn Trọng Nhân, sinh năm 2007, sống tại thị trấn Thạnh Mỹ, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Cậu bé vừa giành giải Nhất trong vòng chung kết cuộc thi Nhí tài năng được tổ chức tối 19/12.

Với tài năng đánh trống thiên bẩm, Trọng Nhân nhận được không ít lời khen ngợi từ nhiều người. Đặc biệt là toàn bộ đội ngũ ban giám khảo cuộc thi và những chuyên gia về âm nhạc cũng đánh giá cao về tài năng này.
Khả năng kỳ lạ của cậu bé VN chơi trống đẳng cấp thế giới 1
Nguyễn Trọng Nhân bên "người bạn" thân thiết.

Chơi được bất kỳ tác phẩm nào dù chưa biết ký hiệu nhạc

Sinh ra trong một gia đình có niềm đam mê âm nhạc với bố biết chơi nhiều loại nhạc cụ, anh trai có biệt tài với piano, không khó hiểu khi Trọng Nhân có năng khiếu về âm nhạc.
Anh Nguyễn Trọng Nghĩa – bố của cậu bé cho biết, hồi nhỏ Nhân thường theo bố đến quán cà phê – bar của gia đình. Trong một lần tình cờ, cậu bé bỗng bước lên dàn trống và đánh đúng giai điệu slow pop.

Điều này khiến anh và tất cả mọi người ở quán bar khi ấy đều choáng - vì khi ấy, Nhân chỉ có 4 tuổi, chưa từng được chỉ dạy và chỉ có thể đứng với tay gõ trống vì quá nhỏ bé. Phát hiện ra năng khiếu của con trai, ngay lập tức, anh Nghĩa đã có định hướng nghiêm túc cho Trọng Nhân về việc học tập loại nhạc cụ này.
Kể từ ấy, cậu bé liên tiếp gây bất ngờ cho gia đình với sự tiếp thu nhanh chóng từ nhịp, phách và khả năng phiêu theo âm nhạc. Anh Nghĩa chia sẻ thêm: “Khi mới bắt đầu học, Nhân đã giành toàn bộ thời gian trong ngày hăng say với những nhịp trống. Có những khi, nhìn con mướt mát mồ hôi, nhắc nghỉ mà cháu cứ hăng say nên cả hai bố mẹ đều phải chịu thua”.
Vì tiếp xúc với trống từ khi còn chưa biết đọc nên trong suốt 2 năm đầu, Trọng Nhân tập và đánh trống theo bản năng. Mãi cho đến năm 6 tuổi, cậu bé mới được bố dạy cho những nốt nhạc, nhịp, phách. “Việc học thêm kiến thức này là để bổ trợ cho cháu thêm sau này nếu muốn nâng cao hơn ở các nhạc cụ khác. Còn trong 2 năm trước, dù chưa biết nốt nhạc nhưng Nhân luôn luôn làm đúng" - anh Nghĩa cho biết.
Biết được tính cách con mình nhút nhát, nên anh Nghĩa thường xuyên cho con đi giao lưu ở nhiều quán bar để được nghe nhận xét và ý kiến từ những chuyên gia. Cũng từ đó, một người thầy - là tay trống lão luyện tại Sài Gòn - đã nhận Trọng Nhân làm học trò, chỉ bảo cho cách đánh trống sao cho điệu nghệ và đỡ tốn sức hơn. Cho đến nay, cậu bé đã theo học được khoảng 8 tháng và rút ra được nhiều kinh nghiệm hơn so với trước”.
Bỗng nhiên biết đọc

Không chỉ bộc lộ tài năng thiên bẩm trong lĩnh vực âm nhạc, trong học tập, Trọng Nhân còn bộc lộ mình là một cậu bé thông minh và khá đặc biệt khi đem đến những điều kỳ lạ.
Tuy còn nhỏ, nhưng sở thích của Trọng Nhân không giống nhiều bạn bè cùng trang lứa. Cậu bé không thích chơi các môn thể thao và những cuốn truyện tranh, mà luôn ham mê, tìm hiểu các loại sách nhiều chữ, đòi hỏi tư duy, suy nghĩ mỗi khi đọc.
Khả năng kỳ lạ của cậu bé VN chơi trống đẳng cấp thế giới 2
Trọng Nhân cùng bố mẹ trước đêm chung kết Nhí tài năng.

Trước đó, trong những năm đầu tiên tiếp xúc với những con chữ, đã có lúc, Trọng Nhân khiến cô giáo và gia đình cảm thấy khó hiểu vì cậu bé không thể nhớ được chữ cái trong nhiều buổi dạy. Thế nhưng, lại trong một dịp bất ngờ, Nhân bỗng cầm sách và truyện đọc vanh vách khiến cho mọi người xung quanh không khỏi bàng hoàng.
"Lúc ấy, tôi còn yêu cầu cháu đọc đi, đọc lại nhiều lần để tin rằng mình không nghe nhầm. Khả năng này của cháu cho đến giờ tôi và gia đình cũng chưa có lời giải đáp!" - mẹ cậu bé tâm sự.
Theo học nhạc cụ nhưng chỉ đam mê trống
Với năng khiếu vốn có, gia đình Nhân từng muốn cho con trai theo học thêm một số nhạc cụ khác để bổ sung thêm kiến thức và tài năng. Cậu bé đã từng học thêm piano, guitar và cũng nắm bắt khá nhanh. "Tuy nhiên, cháu không đam mê những nhạc cụ ấy. Tôi chỉ nhìn thấy ngọn lửa ấy khi cháu bước lên dàn trống" - anh Nghĩa chia sẻ.
Chính vì thế, cho đến nay, điểm nổi bật nhất của Trọng Nhân vẫn luôn là khi ngồi trên dàn trống. Khi ấy, cậu bé được sống hết mình với ngọn lửa của bản thân và truyền được cho người xem những nhiệt huyết đó. Đây không phải là một điều dễ dàng thực hiện được.
Tích lũy được giải thưởng đầu tiên trong đời, nhưng bên cạnh đó, gia đình Nhân vẫn luôn xác định việc ưu tiên hàng đầu vẫn là học tập. Mẹ cậu bé cho biết: "Gia đình vẫn đang hướng cho cháu trở thành một con người toàn diện từ tri thức, sau mới là những khả năng nghệ thuật khác. Trước mắt, việc đi thi tài năng cũng chỉ để Trọng Nhân bạo dạn hơn và dám thể hiện bản thân hơn. Sau cuộc thi, Nhân sẽ tiếp tục quay trở lại trường học và vẫn sẽ theo đuổi đam mê những khi có thời gian rảnh rỗi".
Một số bình luận của cư dân mạng:
Nguyễn Mai Lan: Trời ơi, sao em có thể đánh được như thế nhỉ, mình phát rồ về em.
Jackson Hom: Quá đẳng cấp
Việt Anh: Đoạn cuối giã trống quá hăng, công nhận thần đồng thật.
Quốc Anh - nhạc công chuyên nghiệp trong một nhóm nhạc tại Hà Nội sau khi xem phần thể hiện của Trọng Nhân đã bày tỏ: "Tôi đặc biệt ấn tượng với cậu bé này, cách xử lý rất chuyên nghiệp. Trọng Nhân biết cách điều chỉnh lối chơi của mình cho phù hợp với từng thể loại nhạc, điều này là vô cùng ấn tượng với lứa tuổi của cậu bé.
Theo Zing